Khám phá tiểu vùng văn hóa của cộng đồng dân tộc Cống bên dòng Nậm Chả

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lả Chà (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ) là một trong 4 bản của tỉnh Điện Biên có cộng đồng người Cống sinh sống.
Khám phá tiểu vùng văn hóa của cộng đồng dân tộc Cống bên dòng Nậm Chả
Phụ nữ dân tộc Cống ở Lả Chà tưới nước chăm sóc hoa màu trong vườn. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Một góc bản Lả Chà hôm nay. Bản Lả Chà được cộng đồng người Cống định cư, lập bản từ năm 1952 với 12 hộ dân đầu tiên sinh sống, dân số lúc đó khoảng 60 người. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Đến Lả Chà, du khách sẽ được khám phá những nét độc đáo của một tiểu vùng văn hóa, nơi chứa đựng những nghi thức tín ngưỡng dân gian giàu tính tư duy, triết lý nhân sinh đã được người Cống bảo lưu, trao truyền qua nhiều thế hệ. Trong nhiều yếu tố làm nên một Lả Chà trữ tình, cuốn hút lòng người thì Tết Hoa- Tết cổ truyền của cộng đồng dân tộc Cống là yếu tố đóng vai trò cốt lõi nhất.

Tạo lập bản làng, gìn giữ các giá trị văn hóa 

Lả Chà - theo tiếng dân tộc Thái, “Lả’ là “út, cuối”, “chà” là “bé nhỏ”, bản Lả Chà nghĩa là “bản ở cuối dòng suối nhỏ”. 

Để đến bản Lả Chà, xuất phát từ thành phố Điện Biên Phủ, ngược quốc lộ 12 lên thị trấn Mường Chà, từ đây sẽ rẽ trái, ngược quốc lộ 4H theo hướng cực Tây. Khi cách trung tâm xã Pa Tần khoảng 2km rẽ phải vào con đường độc đạo bằng bê-tông. Từ đây, suốt quá trình di chuyển vào bản Lả Chà, dòng Nậm Chả sẽ là một điếm nhấn tạo cảnh quan cuốn hút du khách, đồng thời là người đồng hành dẫn lối du khách vào tận bản Lả Chà.

Theo các cụ trong bản Lả Chà kể lại, cộng đồng người Cống đặt chân đến vùng đất này từ rất sớm. Năm 1920, người Cống ở vùng Nậm Mức (huyện Mường Mày, tỉnh Phong Sa Lỳ, Lào) sang Việt Nam, điểm dừng chân đầu tiên là bản Nậm Hắng, sau đó đến bản A Khun (đều thuộc xã Mường Mô, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu). Đến năm 1946, người Cống di cư vào bản Huổi Món (xã Pa Tần, huyện Mường Nhé- cũ). Năm 1952, từ Huổi Món người Cống tiếp tục di cư về Lả Chà rồi định cư, lập bản ổn định ở đây với dân số khoảng 60 người.

Bản Lả Chà có vị trí thuận lợi, phù hợp với tập quán sinh sống của cộng đồng người Cống: Sau lưng là đồi núi cao, rừng rậm; bao bọc quanh bản là khe Huổi Sâu và dòng Nậm Chả. Chính yếu tố “tụ thủy” của vùng đất này nên người Cống ở Lả Chà đã quyết dừng lại, coi đây là điểm quần tụ cuối cùng trong hành trình thiên di của mình. Thực tế, dòng Nậm Chả chiếm một vị trí quan trọng trong quá trình định cư, tạo lập và phát triển bản Lả Chả. Đến nay dòng suối này vẫn đêm ngày cần mẫn chắt chiu phù sa bồi đắp cho ruộng đồng, bãi bờ dọc hai bên suối. Cung cấp một lượng lớn cá, tôm trong cuộc sống mưu sinh hằng ngày của người dân bản Lả Chà. Dòng Nậm Chả là nhân chứng lịch sử, chứng kiến những sự đổi thay của vùng đất này.

Thầy cúng Lùng Văn Chanh, bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cho biết: Người Cống có nhiều tên gọi khác nhau như: Cống, Khắm Xứng, Xá xeng, Xá, Mâm nhé… Hiện nay, tên gọi Cống được dùng phổ biến nhất. Dân tộc Cống sinh sống tập trung chủ yếu dọc theo các con suối và vành đai biên giới. Đến nay, người Cống trên toàn tỉnh Điện Biên có hơn 220 hộ, hơn 1.100 nhân khẩu, sống tập trung ở 4 bản gồm: bản Lả Chà (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ); bản Nậm Kè (xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé) và các bản Huổi Moi, Púng Bon (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên). 

Một điều dễ nhận biết nhất, không gian bản Lả Chà rất yên bình, khí hậu thật trong lành, mát mẻ. Có được điều này bởi Lả Chả có rừng xanh bao bọc quanh bản, dòng suối Nậm Chả đóng vai trò điều hòa khí hậu cho bản làng. Đặc biệt hơn, những cây to có hàng chục năm tuổi trong bản đã tạo nguồn bóng mát dồi dào. Trong bản còn có rất nhiều cây táo khổng lồ, thân sù xì, rêu mốc trường tồn trước ngõ, bên hiên nhà dân. 

Bản Lả Chà có 79 ngôi nhà sàn, khoảng cách giữa các nhà hợp lý, có không gian thoáng đãng, được kết nối với nhau bằng hệ thống đường dân sinh đã được bê-tông hóa, các khu vực chuồng trại, chăn nuôi, kho dự trữ củi đốt, vườn trồng rau xanh…được bố trí hài hòa, thể hiện một văn hóa ứng xử rất nhân văn của cộng đồng với tự nhiên, môi trường. 

Nhà của đồng bào Cống ở Lả Chà dựa vào thế đất mà định hướng nên đa phần có hướng quay ra suối Nậm Chả, xuôi theo những luồng gió thổi vào thung lũng nơi bản làng cư trú. Các hộ dân ở bản Lả Chà làm nhà sàn cao, rộng theo kiến trúc, lối trang trí giống nhà sàn truyền thống của người Thái. Tổ hợp công trình “nhà - vườn - khu chăn nuôi - kho chứa củi” tại mỗi gia đình người Cống nơi đây có cấu trúc rất giống với cách bài trí, sắp đặt của người Thái, ngành Thái đen.

Vườn của người Cống trồng các loại gia vị, rau, củ là những mảnh đất màu mỡ bên bờ suối, cạnh nhà được dựng rào cẩn thận tránh sự xâm nhập của gia súc, vật nuôi. Hàng chục năm trước đây, do thói quen du canh, phương thức canh tác thủ công, không cần đến sức cày, kéo nên chăn nuôi gia súc chưa phát triển. Chăn nuôi lúc đó chỉ phục vụ cung cấp lễ vật (vật hiến sinh) cho những nghi thức của bản và cung cấp thực phẩm cho các hoạt động cộng đồng (cưới xin, dựng nhà mới…). Ngày nay, với phương thức, kỹ thuật canh tác gieo trồng ruộng nước, diện tích khai khẩn nhiều, nên người Cống ở đây rất chú trọng chăn nuôi gia súc, phổ biến là trâu (pà na), bò (khà pò)… để tạo sức cày kéo, vận chuyển. Cây lương thực chủ yếu trong đời sống hằng ngày của dân bản nơi đây là cây lúa (hàng đù), ngô (poóng), khoai (màn chèn), sắn (màn tun)…

Hiện nay, bản Lả Chà còn giữ được một số nghề thủ công truyền thống mang tính bổ trợ trồng trọt, sản xuất và nhu cầu sinh hoạt như: đan lát, đan móc sợi, nghề rèn (rèn dao, liềm, xiên cá…) và chế tác đồ mộc (cày, bừa). Về Lả Chà, du khách có thể bắt gặp một số sản phẩm đặc trưng từ nghề đan lát của người Cống nơi đây, như: Gùi (mì dè), tấm trải phơi thóc (hạ chơ), chiếu may (khội a zợ), giỏ đựng cơm (o kê), tủ đựng quần áo (bờ), giỏ cá (lá sụ)… Do sinh sống gần suối, việc đánh bắt cá là hoạt động thường xuyên không thể thiếu trong cuộc sống của cộng đồng dân tộc Cống nên nghề đan móc của người Cống nơi đây rất phát triển, thể hiện qua các sản phẩm như: chài (vê chứ), lưới (ba), đó (a lố), vợt (ngần khù)… Tại đây, du khách dễ dàng bắt gặp biểu tượng “me-khá” đan bằng tre, nứa theo kiểu đan nong mốt, hình mắt cáo- được treo ở nhiều vị trí trong bản. Đây là hình ảnh mang tín ngưỡng dân gian, xuất hiện trong các nghi lễ cúng bản, cúng hồn lúa, cúng nương…của người Cống. Qua đó minh chứng nghề đan lát ở Lả Chà đã tồn tại từ rất lâu.

Cộng đồng dân tộc Cống ở Lả Cà các họ Lý, Chảo, Chang, Chin, Lùng, Séng… Các họ phân biệt với nhau bằng cách cúng tổ tiên và vị trí đặt bàn thờ tổ tiên. Đặc biệt, tùy từng họ có thể có ăn kiêng một số loài chim. Tuy có nhiều họ (dòng họ) chung sống nhưng bản làng luôn đoàn kết, có quan hệ tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong bản. Lúc bản có công việc lớn như đám cưới, làm nhà mới… thì cả bản cùng chung tay giúp đỡ nhau về cả sức người và của cải vật chất.
         
Cộng đồng dân tộc Cống ở Lả Chà vẫn còn giữ được những trang phục truyền thống. Người phụ nữ Cống là chủ thể sáng tạo các giá trị văn hóa trang phục của dân tộc mình; thể hiện bàn tay khéo léo, óc sáng tạo phong phú, tâm hồn lạc quan, yêu đời, rất có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng của người phụ nữ Cống. 
         
Bà Vàng Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cho biết: Hiện nay, bản Lả Chà có 79 hộ dân với 397 nhân khẩu trong đó có 32 hộ nghèo. Những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong triển khai hỗ trợ các chương trình 30a, 135, đặc biệt là Đề án “Phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên” giai đoạn 2011-2020… bản Lả Chả có rất nhiều thay đổi, khởi sắc; đời sống của bà con được nâng lên; các công trình thủy lợi, đường giao thông, nước sinh hoạt, điện thắp sáng được dựng xây, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, tạo lập được động lực mới, làm tiền đề quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Trong những năm tới, chính quyền xã sẽ ưu tiên tiên các chính sách, đưa những chương trình, dự án đến bà con dân bản; tuyên truyền người dân tích cực lao động sản xuất để thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo.
       
Độc đáo Tết hoa Mào gà 

Đồng bào dân tộc Cống coi hoa màu gà là “hoa thiêng”, mang nhiều ý nghĩa, là biểu tượng cho sự may mắn, tốt đẹp đến với mọi người. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Qua gần 70 năm định cư, lập bản, cộng đồng Cống ở Lả Chà đã và đang gìn giữ, bảo tồn vẹn nguyên những lễ hội đặc sắc như: Tết hoa mào gà, Lễ cúng bản, Lễ cúng tổ tiên, Lễ lên nhà mới, Lễ mừng cơm mới, Lễ cúng hồn lúa, Cúng nương rẫy, Lễ cầu mùa, Lễ tra hạth... Trong đó, Tết hoa mào gà là nghi lễ độc đáo nhất bởi đây là Tết cổ truyền, phản ánh sinh động đời sống, bản sắc và có tính nhận diện văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Cống. 
        
Tết hoa mào gà được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019, là một trong 8 Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh Điện Biên.
         
Qua công tác điền dã, khảo cứu, Bảo tàng tỉnh Điện Biên (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên) nhận định, trong 4 bản có cộng đồng dân tộc Cống sính sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên thì tại bản Lả Chà, Tết hoa mào gà được dân bản bảo lưu, tổ chức trọn vẹn hơn cả. Không gian và diễn trình Tết Hoa ở Lả Chà vẫn được tổ chức đầy đủ đúng trình tự, bài bản theo mô típ khởi nguyên của cộng đồng người Cống. 
         
Tết hoa Mào gà thường tổ chức vào dịp tháng 9, âm lịch hằng năm, khi công việc gặt hái, thu hoạch nông sản đã xong thì người Cống ở Điện Biên lại háo hức, tất bật chuẩn bị sự kiện này. (Do người Cống ở giáp biên giới Việt- Lào, nên theo lịch người Lào, một năm chỉ có 10 tháng). 
         
Năm nay, người Cống ở bản Lả Chà (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ) tổ chức Tết hoa mào gà vào 2 ngày 23 và 24/11. Ông Lùng Văn Chanh, thầy cúng ở bản Lả Chả cho biết: Tết Hoa mào gà được ông cha truyền lại từ xa xưa. Việc tổ chức Tết hoa là dịp để cầu khấn tổ tiên, các bậc thần linh phù hộ cho con cháu trong gia đình, trong bản được mạnh khỏe, không bao giờ ốm đau. Sang năm mới nhà nhà làm được nhiều ruộng nương hơn, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển hơn, không có dịch bệnh. Gia đình, bản làng đều được ấm no, hạnh phúc, cái xấu trong bản thì bớt đi, ai cũng làm được những điều tốt đẹp, hướng thiện cho gia đình, bản làng gẫn gùi, đoàn kết hơn nữa. 
         
Trước khi tổ chức Tết hoa mào gà khoảng 1 tuần, thầy cúng chọn ngày lành, tháng tốt để cho bản tổ chức. Sáng sớm ngày diễn ra Tết Hoa là lễ cúng bản, thầy cúng “phát lệnh” cấm bản để mọi người không được tự do ra, vào bản. Kết thúc lễ thức cúng bản, lễ chủ của mỗi gia đình sẽ đi hái hoa mào gà trên nương, ngoài suối, bìa rừng để đem về trang trí trên một cây tre cao phục vụ cho thầy cúng tổ chức các nghi lễ; đồng thời đi cắm trang trí hoa mào gà lên cửa, cầu thang…các gia đình trong bản.
         
Trong tâm thức của người Cống, hoa mào gà tạo không khí gần gũi, ấm áp cho khắp bản, là biểu tượng cho sự may mắn, tốt đẹp. Cây tre cắm đầy hoa mào gà chỗ thầy cúng diễn xướng, thực hiện nghi thức sẽ là cây cầu nối hai cõi âm-dương, là con đường đưa tổ tiên đi từ cõi thiêng về với bản làng, gia đình.
         
Sau những hồi trống, chiêng âm vang khắp bản làng như tín hiệu mời gọi các thần linh, tổ tiên và dân bản về dự lễ. Thầy cúng sẽ dâng lễ vật dưới gốc cây hoa (cây tre được trang trí hoa mào gào khắp thân, cành) để trình báo với các đấng thần linh lễ vật cúng hoa mừng năm mới. Lễ thức trong mâm cúng đặt dưới chân cây hoa gồm vật hiến sinh (gà), khoai sọ (pùm xì), rượu (tý khá), hoa mào gà...
         
Những con vật hiến sinh sau khi được thầy cúng trình báo sẽ được thanh niên trai tráng đưa đi làm thịt để chuẩn bị mâm cỗ cúng (đồ chín). Khi mâm cỗ đồ chín làm xong được mang đặt dưới gốc cây hoa, thầy cúng xướng lời mời thần linh, tiên tổ về ăn cỗ. Tại đây, thầy cúng báo cáo tình hình mùa màng, chăn nuôi, sức khỏe bà con dân bản trong năm qua và cầu xin thần linh phù hộ cho dân bản sang năm mới dồi dào sức khỏe, mùa màng bội thu. Sau khi cúng bản xong, thầy cúng sẽ lần lượt đi cúng cho từng nhà.
         
Khi màn đêm vừa buông xuống, bản làng sẽ bước vào phần hội. Trong không khí tưng bừng, rộn rã âm thanh của tiếng trống, tiếng chiêng, cả bản cùng hân hoan nhảy múa, ca hát, ném các hạt giống thóc, ngô ra xung quanh, thể hiện ước muốn trong năm mới vạn vật sẽ sinh sôi, nảy nở như những cơn mưa hạt giống này. Hòa trong không gian vui vẻ, không phân biệt già trẻ, gái trai, mọi người đều nắm lấy tay nhau vui trong từng điệu múa. Đêm về khuya, tiếng hát, lời ca và âm thanh các loại nhạc cụ càng vang vọng, làm bừng sáng cả một không gian núi rừng.
         
Sáng sớm hôm sau, các gia đình sẽ đến nhà thăm hỏi, chúc phúc cho nhau những điều may mắn rồi cùng tề tựu về bãi đất trống đầu bản để hòa mình vào các trò chơi dân gian mang tính cố kết cộng đồng, như: bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, chơi chọi cù… trong sự cổ vũ nhiệt tình của dân bản. 
       
Trải qua tiến trình lịch sử, cộng đồng dân tộc Cống ở bản Lả Chà (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) đã tạo dựng được những dấu ấn qua quá trình sáng tạo và phát triển văn hóa dân tộc; bảo lưu vẹn nguyên các thiết chế bản làng, những tri thức dân gian, những tập tục văn hóa cổ truyền. Hiện nay, những giá trị đó được coi là tài sản quý giá trong kho tàng Di sản văn hóa dân tộc.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật