Nông dân Hòa Bình thu lãi hàng trăm triệu mỗi năm nhờ mô hình trồng cỏ, nuôi bò nhốt chuồng

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thành công từ mô hình trồng cỏ, nuôi bò nhốt chuồng trong nông hộ đã giúp ông Quách Mạnh Hoàn ở xóm Đông Hòa 1, xã Mỵ Hòa, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình không những thu tiền triệu mỗi năm mà hiện nay còn là một tấm gương sáng nổi tiếng khắp nơi để bà con xa gần học tập.
Nông dân Hòa Bình thu lãi hàng trăm triệu mỗi năm nhờ mô hình trồng cỏ, nuôi bò nhốt chuồng
Ông Quách Mạnh Hoàn bên mô hình nuôi bò vỗ béo của gia đình mình. (Ảnh: Đình Thủy)

Xem Video: Kỹ sư về quê chăn bò nuôi giun và cái kết

Nhận thấy diện tích đất đai trong vùng còn nhiều và chưa phát huy hết khả năng sử dụng cộng với việc thu lợi từ cây lúa không hiệu quả nên gia đình ông Quách Mạnh Hoàn đã mạnh dạn tiên phong trong việc chuyển đổi toàn bộ diện tích đất cấy lúa một vụ sang trồng cỏ để nuôi bò nhốt tại chuồng.

Với quyết định táo bạo cùng hướng đi cụ thể, cách làm đã giúp cho gia đình ông Hoàn mỗi năm thu có thu nhập khoảng 170 triệu đồng. Và cũng nhờ mô hình này đã giúp gia đình ông ngày càng được nhiều người dân xa gần biết đến và kính nể.

Được biết, năm 2015, gia đình ông Hoàn đã bắt đầu đầu tư khoảng gần 1 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại và mua con giống. Những giống bò được ông tuyển chọn, nhập về nuôi chủ yếu là bò lai Sind.

Bởi theo ông Hoàn, giống bò lai Sind có vóc dáng cao to, nuôi nhanh lớn và cho hiệu quả kinh tế cao. Với những tiêu chuẩn nổi bật vốn có ở giống bò lai Sind, gia đình ông Hoàn quyết mạnh dạn mua 30 con về nuôi, trong đó có 14 con bò nái, 1 con đực giống Zebu của New Zealand, còn lại là bò và bê con.

Để cung cấp thức ăn sạch cho 30 con bò, ông Hoàn đã quyết định đầu tư khoảng gần 3 ha đất trồng cỏ, các loại cỏ chủ yếu là cỏ voi và cỏ VA06. Hầu hết, các loại cỏ này được trồng ở trên đồi cao và các khu ruộng cạnh đường tỉnh lộ 12B. Ngoài ra, gia đình còn tận dụng những phế phụ phẩm trong nông nghiệp như thân cây ngô, ngọn lá mía… để làm thức ăn cho bò.

Tuy nhiên, cỏ được cắt về sẽ không cho bò ăn thẳng mà phải đưa vào máy cắt đa năng thái nhỏ. Chỉ cần mất khoảng 15 – 20 phút là có thể đủ cỏ để cho bò ăn một bữa.

      Ngoài ra, để đàn bò được phát triển tốt thì khi mua về thì các hộ gia đình cần phải chú ý đến việc tẩy giun sán cho bò bê nhất là sán lá gan.

Chia sẻ thêm về mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng của mình, ông Quách Mạnh Hoàn cho biết: “Việc nuôi bò nhốt tại chuồng có rất nhiều lợi ích mà không phải ai ai cũng biết. Tuy nhiên, lợi ích quan trọng nhất, to lớn nhất mà ai cũng nhìn thấy đó chính là không mất công chăn thả, mà vẫn quản lý được đàn vật nuôi và kiểm tra được sự tăng trọng của bò qua từng ngày, từng tháng”.

Bên cạnh những lợi ích to lớn, thì việc chăn nuôi bò theo mô hình nhốt chuồng cũng gặp không ít những khó khăn. Trong đó, vấn đề lớn nhất chính là nguồn thức ăn tại chỗ. Vì vào mùa xuân, mùa hè mưa nhiều, cỏ cây phát triển tốt nhưng vào mùa đông thì nguồn thức ăn cho bò thường rất khan hiếm.

Do vậy, để đảm bảo nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho bò, gia đình ông Quách Mạnh Hoàn đã phải xây dựng thêm 5 bể để ủ chua thức ăn dự trữ cho bò. Kỹ thuật ủ chua thức ăn được ông Hoàn tìm hiểu, học hỏi trên mạng là chính và đến nay đã làm rất tốt. Hiện nay, nhiều hộ nông dân trong xóm còn đến nhờ ông tư vấn và chỉ bảo thêm.

Không chỉ giỏi trong khâu chế biến thức ăn cho bò, ông Hoàn còn khiến nhiều người phải ngỡ ngàng trước sự sáng tạo và khoa học của hệ thống chuồng trại ở gia đình ông. Hệ thống chuồng nuôi được ông thiết kế thành 2 dãy và đảm bảo đủ điều kiện để bò phát triển tốt, tiêu biểu như thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.

Ngoài ra, khi vào khu vực chuồng nhốt bò này cũng không thấy mùi hôi, bởi theo ông Hoàn thì chuồng luôn được vệ sinh sạch sẽ, khử mùi, khử trùng để tạo môi trường sạch cho bò và tránh gây ô nhiễm cho các hộ xung quanh.

Hiện tại, đàn bò của gia đình ông đang phát triển tốt, khỏe mạnh. Thời gian tới gia đình sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại và tăng số lượng đàn thêm nữa. Từ đầu năm 2017 đến nay ông Hoàn đã bán được 8 con (cả bò và bê) với giá bán: bê non có giá 220.000 đồng/kg, bò bán thịt giá 180.000 đồng/kg. Với mức giá cao như vậy đã giúp gia đình ông Hoàn thu về lợi nhuận 70 triệu đồng sau khi đã trừ đủ mọi chi phí. Dự tính trong khoảng tháng Giêng này, ông Hoàn sẽ xuất chuồng thêm khoảng 10 con nữa.

  Hiện nay, gia đình ông Hoàn có 2 nguồn thu nhập chính từ việc chăn nuôi bò nhốt chuồng. Một nguồn từ việc bán bê và bò thịt. Nguồn khác là từ việc bò đực phối giống bò cái cho các hộ tại xã và các xã lân cận, trung bình mỗi năm cũng thu thêm được khoảng 10 – 12 triệu đồng tiền phối giống. Tuy nhiên, cứ sau 2 năm là ông Hoàn lại phải loại thải con đực nhằm tránh đồng huyết và thay thế bằng một con đực mới.

Có thể nói, mô hình trồng cỏ, nuôi bò nhốt chuồng của gia đình ông Quách Mạnh Hoàn tại xã Mỵ Hòa bước đầu đem lại thành công không chỉ cho gia đình mà còn cho xóm, cho xã.

Với hướng phát triển như hiện nay, đây cũng chính là mô hình mà hội nông dân xã Mỵ Hòa đang khuyến khích hội viên nhân rộng trong thời gian tới.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật