Nữ đạo diễn Hoàng Trần Minh Đức gây ấn tượng với vở kịch ‘Hồn ma bóng quỷ’

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tối 24.9, nữ đạo diễn Hoàng Trần Minh Đức cùng ê-kíp của mình đã trình diễn ấn tượng và thành công vở kịch Ghosts, tựa Việt là Hồn ma bóng quỷ, của kịch tác gia Henrik Ibsen trên sân khấu Nhà hát TP.HCM.
Nữ đạo diễn Hoàng Trần Minh Đức gây ấn tượng với vở kịch ‘Hồn ma bóng quỷ’
Vở diễn Hồn ma bóng quỷ của đạo diễn Hoàng Trần Minh Đức

Đêm diễn Hồn ma bóng quỷ có sự tham dự của nhiều nghệ sĩ trong giới sân khấu – nghệ thuật và đông đảo sinh viên tại các trường đại học ở TP.HCM, như NSND Kim Cương, NSND Trần Minh Ngọc (đồng thời là giáo viên bộ môn của Hoàng Trần Minh Đức), NSƯT Ái Như, đạo diễn Việt Linh, đạo diễn Phan Đăng Di, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, đạo diễn Cù Kim Chi, đạo diễn Mzung, đạo diễn Võ Thạch Thảo, đạo diễn Lê Bình Giang, các diễn viên Ốc Thanh Vân, Ngân Khánh, Nam Cường, Trung Dũng, Cát Tường, Vân Anh, MC Trác Thuý Miêu…

Vở diễn không micro, chơi nhạc sống, kết hợp sân khấu và điện ảnh

Có thể nói đạo diễn Hoàng Trần Minh Đức đã rất bản lĩnh khi chọn Nhà hát TP.HCM làm không gian biểu diễn một tác phẩm kinh điển như Ghosts - Hồn ma bóng quỷ, và không sử dụng micro cho các diễn viên. Hiện nay, có thể nói ngoài sân khấu 5B biểu diễn không micro thì hiếm có sân khấu nào lựa chọn “cửa khó” này.

Hồn ma bóng quỷ là vở kịch diễn không micro trong không gian Nhà hát lớn TP.HCM

Vở diễn cũng không sử dụng nhạc nền thu sẵn mà chơi “nhạc sống”. Bộ ba nhạc viện Phạm Vũ Thiên Bảo (violin/viola – giám đốc âm nhạc), Lê Minh Hiền (violin) và Mai Thanh Sơn (bộ gõ) chiêu đãi khán giả bằng màn ứng tấu độc đáo. Âm nhạc ứng tác trực tiếp ngay trên sân khấu tuỳ theo tiết tấu vở diễn và cảm xúc của diễn viên. Ê-kíp chọn nhạc cho vở khá đắc địa khi tương tác, đối thoại được với cảm xúc của cả diễn viên và khán giả. Trong đó, dư âm còn lại sẽ là bản Ave Maria của Schubert qua giọng hát đẹp của Tenor Phạm Trung Kiên.

Âm nhạc chơi live từ hai bên sân khấu

Đây là một vở kịch kinh điển với lời thoại nhiều, nhưng khán giả vẫn tập trung vào vở diễn suốt 3 giờ đồng hồ. Vở diễn may mắn quy tụ được dàn diễn viên tên tuổi, giàu kinh nghiệm sân khấu như diễn viên Lê Phương (vai bà Alving), đạo diễn – diễn viên – nhà giáo Vũ Xuân Trang (vai mục sư Manders), đạo diễn - diễn viên Lê Hoàng Giang (vai Oswald Alving), đạo diễn – diễn viên – nhà giáo Thái Kim Tùng (vai Jacob Engstrand), diễn viên Huỳnh Ly (vai Regina Engstrand). Tuy nhiên, cái hay của Hoàng Trần Minh Đức là đã mang đến màu sắc mới và những bước thử thách thú vị cho cả ê-kíp.

Nữ đạo diễn Hoàng Trần Minh Đức đã tô điểm cho sân khấu bằng điện ảnh và âm nhạc cổ điển. Thiết kế sân khấu Trần Hồng Vân cho biết cô và ê-kíp chủ định tạo ra không gian sân khấu vừa ước lệ vừa tả thực, vừa hiện đại vừa siêu thực với sự bày biện những cánh cửa ngang dọc. Ánh sáng sân khấu cũng được kết hợp với những hiệu ứng của ánh sáng điện ảnh, do An Lê và DOP Hoàng Lê thực hiện.

Hoàng Trần Minh Đức tô điểm cho sân khấu bằng chính cái nền điện ảnh và âm nhạc cổ điển

Trước khi đến với sân khấu – điện ảnh, Hoàng Trần Minh Đức từng học ở Nhạc viện TP.HCM 8 năm, chuyên ngành piano. Cô cũng từng tốt nghiệp khoá Diễn viên Kịch – Điện ảnh, khoá Đạo diễn Điện ảnh - và bây giờ là khoá Đạo diễn Sân khấu, đều tại trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh TP.HCM.

Minh Đức từng có phim ngắn tốt nghiệp Tôi ba mươi được giới thiệu trong chương trình Short Film Corner (Góc phim ngắn) tại Liên hoan phim Cannes 2014. Cô cũng tham gia nhiều vai trò từ diễn viên, đạo diễn, trợ lý đạo diễn, đến sản xuất ở nhiều dự án phim lớn.

Với kinh nghiệm dày dặn ấy, không ngạc nhiên khi Minh Đức đã mang đến một vở diễn tốt nghiệp thành công hơn cả mong đợi, chứng minh cô là một trong những đạo diễn trẻ táo bạo, liều lĩnh khi thực hiện ý tưởng sáng tạo của mình.

Lê Phương giảm 30 ký để vào vai diễn  

Đây là vở kịch đánh dấu sự trở lại của Lê Phương với sân khấu nghệ thuật. Cô đã làm khán giả hoàn toàn bất ngờ. Trên sân khấu không còn là diễn viên Lê Phương nữa mà hoàn toàn là quý bà Alving danh giá ở miền Tây Na-Uy. Đảm nhận một vai khó khi phải thoại liên tục và xuất hiện gần như xuyên suốt vở kịch, tuy vậy, Lê Phương đã cho thấy nội lực của một diễn viên đang vào độ chín. Không còn là một Lê Phương “lam lũ” với hình tượng người phụ nữ khóc cạn nước mắt, trước mắt khán giả giờ đã là một quý bà với phong thái, cốt cách sang trọng. Đó là người phụ nữ mạnh mẽ với nhiều ưu tư dồn nén nội tâm. Nhiều lúc Lê Phương đã làm khán giả lặng đi với những thổn thức tinh tế và cả sự bùng nổ từ tình yêu chôn giấu, từ tình mẹ bao la.

Lê Phương và Xuân Trang trong vở diễn Hồn ma bóng quỷ

Ít ai biết, diễn viên Lê Phương đã giảm đến gần 30 ký cho vai diễn này. Sau thời gian sinh con, cân nặng của cô là 81kg và bây giờ là 55kg. Lê Phương cho biết “bà Alving” làm thay đổi con người cô và cũng đánh dấu sự thay đổi hình tượng của chính cô.

Dàn diễn viên tỏa sáng

Là diễn viên gạo cội của Sân khấu Kịch Phú Nhuận - TP.HCM với 20 năm tuổi nghề, diễn viên – đạo diễn – nhà giáo Vũ Xuân Trang đã ghi dấu trong lòng khán giả với những vai diễn như Tham Kim trong Làm đĩ, Chín Hiếc trong Bỉ vỏ, Nghị Hách trong Giông tố… Có thể nói những vai diễn được yêu thích nhất của Vũ Xuân Trang là những vai diễn bước ra từ văn học. Lần này cũng vậy, Vũ Xuân Trang cho thấy những vai diễn có bề dày, chiều sâu tâm lý sinh ra vốn để dành cho mình.

Khác với vai phản diện thường thấy, lần này Vũ Xuân Trang hoá thân thành mục sư Manders trong Hồn ma bóng quỷ với tính cách mẫu mực nhưng lại có phần ngây thơ, thậm chí là hơi hèn nhát, ngại dư luận. Đây cũng là vai diễn khó vì làm sao để “mục sư” không đều đều một màu cũng như thể hiện được nhiều nội tâm từ sâu thẳm bên trong. Qua cách thể hiện của Vũ Xuân Trang, mục sư Manders đã trở nên “người” hơn, ông không chỉ là “một đứa trẻ to xác” như lời bà Alving mà còn là một người đàn ông với nhiều cung bậc rung động, cảm xúc khi đối mặt với những lao xao cuộc đời.

Hình ảnh trong vở kịch

Vai Oswald Alving trong vở Ghosts do Lê Hoàng Giang đóng là một nhân vật đang đối mặt với “sự mục ruỗng từ bên trong”, không chỉ về thể chất mà còn về tinh thần. Anh mắc bệnh và trở về ngôi nhà có mẹ, nơi mà anh được mẹ gửi đi xa từ năm lên 7 tuổi, để tránh phải tiếp xúc với bầu không khí ngột ngạt, sa đoạ từ cuộc sống của chính cha mình. Bề ngoài yếu đuối, bệnh tật nhưng sâu thẳm bên trong tâm hồn Oswald là một chàng trai yêu đời, ham sống. Anh là một hoạ sĩ với niềm khát khao được sống, được làm việc, được ghi lại những vẻ đẹp của cuộc sống. Có thể nói bằng nét diễn vô tư, trong sáng của mình, Lê Hoàng Giang đã chạm được nét tính cách trẻ thơ, trong sáng trong tâm hồn chàng Oswald. Anh cũng chạm được nỗi đau của nhân vật từ bên trong, và đã nhận được nhiều sự đồng cảm từ các bạn khán giả trẻ.

Thái Kim Tùng với vai diễn Jacob Engstrand

Với diễn viên Thái Kim Tùng, anh thật sự yêu kịch tác gia Ibsen suốt 3 năm qua và được toả sáng trong 10 ngày. Sau đêm diễn, Thái Kim Tùng vẫn còn tiếc nhớ những tung tẩy, sáng tạo lúc tập vở cùng ê-kíp. Anh là người thế vai sau khi diễn viên vào vai Jacob Engstrand kẹt lịch nên không thể tiếp tục. Trong khi các diễn viên khác đã tập đến hơn 2 tháng thì anh chỉ được tập chừng 10 ngày. Dù vậy, Thái Kim Tùng đã làm cả ê-kíp thán phục vì anh vào vai rất nhanh. Jacob Engstrand nếu không phải Thái Kim Tùng thì cũng hiếm có người lột tả được một cách xúc động, nhiều màu sắc đến như vậy. Ngoài những mảng, miếng tạo nên tiếng cười mang đến màu sắc sinh động cho vở, Thái Kim Tùng thể hiện được một cách sâu sắc phần nhân văn ẩn chứa trong tâm hồn người đàn ông tật nguyền Jacob Engstrand. Có thể nói Ibsen là tác giả rất mực yêu thích của Thái Kim Tùng và anh đã làm nên một Jacob Engstrand đa diện.

Với vai Regina trong Hồn ma bóng quỷ, nữ diễn viên trẻ Huỳnh Ly diễn mộc mạc nhưng quyết liệt, đầy nội lực. Qua cách diễn xuất của Ly, người ta nhận ra Regina không chỉ là một cô hầu gái. Đó là một cô hầu gái với chiều sâu thân phận, ước mơ, hoài bão.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật