Duyên âm

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hằng đêm, Khương luôn phải đối mặt với một giấc mơ kì lạ. Giấc mơ ấy có từ bao giờ và đến từ đâu Khương cũng không nhớ và cũng không muốn nhớ.
Duyên âm
Minh họa: Doãn Hoàng Kiên

Khương gặp giấc mơ ấy lần đầu tiên khi Khương mười sáu tuổi, học lớp mười, lúc ấy Khương bước vào tuổi dậ‌y th‌ì như bao nhiêu thằng con trai khác ở trường huyện miền núi heo hút này. Những thằng bạn cao lộc ngộc như cây sào chọc sàn, giọng vỡ ồ ồ như bò đái ống bương và ngực thì bắt đầu nhú lên một cái mầm như mầm măng vầu sắp trồi lên khỏi mặt đất, chạm vào đau nhức. Đến lớp, chúng kể về giấc mơ đêm qua. Giấc mơ về sự ham muốn với bạn gái cùng lứa. Và bao giờ cũng kết thúc bằng việc bọn chúng lén lút vào buồng tắm mỗi sớm mai và giấu nhẹm cái quần đùi đã vò giũ bao nhiêu tanh tưởi, nhầy nhụa xuống đáy chậu.

Khương cũng thường kết thúc một giấc mơ như thế. Nhưng chẳng lẽ Khương kể Khương bị một cái bóng đuổi theo, Khương vấp ngã dúi dụi và Khương bị cái bóng… đè ra trên cỏ. Cỏ xanh bỗng dập nát sau một trận mưa đá kinh hoàng. Khương rùng mình không dám nghĩ tiếp. Khương luôn ý thức mình là một thằng con trai, hẳn rồi, một thằng con trai bình thường về mặt tâm, sin‌ּh l‌ּý.

Khương luôn dằn vặt và xấu hổ bởi những giấc mơ, có phải giấc mơ được hình thành từ trong tiềm thức. Chỉ nghĩ đến thôi Khương cũng đỏ mặt muốn độn thổ như thể người ta biết được bí mật của mình. Sự nhục nhã và ê chề luồn vào tâm trí non nớt của Khương như cơn gió mùa Đông Bắc lách qua khe hở của chiếc áo len mỏng mà Khương đang mặc trên người, chiếc áo len anh trai mặc cộc nhường lại cho Khương. Chiếc áo cứ ngắn dần lên theo mỗi mùa đông, còn tuổi Khương được tính bằng giá rét. Mẹ sinh Khương vào mùa đông giá rét. Sắp mười bảy mùa đông rồi.

*

Học năm thứ ba khoa văn trường Đại học Sư phạm, Khương chia tay Trang sau một năm yêu nhau. Trang học dưới Khương một khóa.

Chẳng có lý do nào rõ ràng. Hôn nhau trên ghế đá dưới vòm hoa phượng nở. Hoa phượng đỏ rực như lửa cháy. Môi Trang cũng đỏ rực như lửa cháy. Tiếng ve rộn rã như khát khao. Quả tim trong lồng ngực Trang cũng đang đập khát khao.

Từng cánh hoa phượng và nốt nhạc tiếng ve rơi trên mái tóc hai người. Mái tóc undercut của Khương trộn với mái tóc đen dài như nữ ca sĩ hát dòng nhạc bolero của Trang. Lúc hôn nhau say đắm, Trang vẫn kịp nhận ra nụ hôn của Khương không đỏ rực như hoa phượng và khát khao như tiếng ve.

Trang đẩy Khương ra giận dỗi “Anh hôn nhạt lắm” rồi bỏ về, quên cả cài cúc áo ngực. Khương chẳng đuổi theo Trang mà ngồi thừ ra trên ghế đá như tượng gỗ. Sau lần đó, Khương và Trang chia tay trong yên lặng. Khương có đến tìm Trang nhưng Trang cố tình tránh mặt.

Đêm văn nghệ, Khương thấy Trang đang cười tít với anh chàng nhạc công lịch lãm. Trang sắp lên sân khấu biểu diễn. Giọng Trang ấm như nắng toả, êm như mây bay, vút như gió thoảng, và trong như mưa rơi. Khương đứng trong bóng tối chỗ khuất ánh đèn sân khấu, nơi gốc cây xà cừ trổ hoa dâng hương trong gió. Khương thấy lòng trống rỗng, không nuối tiếc, hờn giận, oán trách, như thể Khương rơi vào trạng thái mất cảm giác. Khương bỏ về.

Thịnh gọi khản giọng “Khương ơi... ” nhưng Khương không nghe thấy. Tiếng đàn, tiếng trống, tiếng cười, tiếng nói át đi tiếng gọi của Thịnh. Khương bỏ lại một vùng ánh sáng sau lưng, bước xuống kí túc xá, leo lên giường, trùm kín chăn, dỗ giấc ngủ về. Trong cơn mộng mị, Khương lại mơ thấy cái bóng đuổi theo Khương. Khương chồm dậy.

Mồ hôi vã ra ướt đẫm. Phòng tối om. Còn sót lại vài tiếng ngáy khô giòn của mấy thằng bạn cùng phòng. Khương không dám ngủ tiếp, chỉ sợ lại đi lạc vào giấc mơ. Lúc đó, ai sẽ cứu Khương khi Khương ngã xuống, những cái bóng bắt được, chồm lên người Khương, xé quần áo Khương và....

Khương sợ hãi co rúm người lại như một miếng giẻ rách. Khương mở trừng mắt nhìn chong chong lên trần nhà để chống lại cơn buồn ngủ đang sầm sập kéo về. Khương thua rồi, cơn buồn ngủ thống trị toàn bộ căn phòng. May quá, Khương ngủ mê mệt như chết cho đến sáng, khi bầy chim sẻ gọi nhau tha nắng về trên cành nhãn sà thấp bên ngoài cửa sổ. Đêm qua trời mưa, từng hạt bạc trắng long lanh còn đọng lại trên chùm lá non. Khương mở cửa, đưa tay hứng một giọt mưa tròn mọng. Giọt mưa vỡ ra mát rượi giữa hơi ấm bàn tay mảnh dẻ, như giọt nước mắt.

Khương chia tay người yêu, Thịnh cũng chưa có bạn gái. Hai thằng học cùng lớp, ở cùng một phòng trong kí túc xá. Khương và Thịnh còn có chung niềm yêu thích là thơ. Sinh viên văn khoa, đam mê thi ca cũng là bình thường. Nhưng với hai thằng, thơ còn hơn cả niềm yêu thích, đó là nỗi đam mê. Khương và Thịnh tôn sùng thơ như một thứ tôn giáo, đẹp đẽ, trong trẻo và đầy tin yêu. Khương quê ở miền chầu văn Nam Định nhưng theo gia đình lên miền núi sinh sống.

Khương có năng khiếu sáng tác thơ từ nhỏ. Thơ của Khương đã in rải rác trên các báo, giản dị, ám ảnh và giàu cảm xúc về cội nguồn, xứ sở đã nuôi dưỡng tâm hồn thi sĩ trong Khương. Khương luôn ước mơ sẽ trở thành một nhà thơ chuyên nghiệp. Thịnh quê ở đất chèo Thái Bình, ngay cạnh quê Khương, cách con sông Hồng phù sa đỏ như bờ môi thôn nữ, cây cầu dài như nỗi nhớ và bao chuyến đò nghĩa tình nối hai miền quê duyên nợ.

Thịnh hát chèo hay, hát văn cũng giỏi. Giọng Thịnh ngọt lừ như mía bãi, rót mật sánh vào tâm hồn người nghe. Thịnh hát thơ của Khương, da diết mà say đắm. Thơ là sợi chỉ buộc Khương với Thịnh. Hai thằng thân thiết, đi đâu cũng có nhau như đôi chim không rời. Lũ con trai hất hàm nói đểu: “Rõ hai thằng đam mĩ”. Đám con gái “hủ nữ” thở dài tiếc nuối: “Trai đẹp đã hiếm, họ còn yêu nhau”.

Khương bảo Thịnh kệ chúng nó, cây ngay sợ gì giông bão. Thịnh chẳng nói gì, cười hiền lành như gió sông Hồng, rồi hát một câu lục bát của Khương theo điệu xá thượng, chẳng nhớ trong bài thơ nào.

Tối thứ bảy, Khương rủ Thịnh đạp xe lên bờ hồ. Thịnh thích quá, đằng nào cũng đang nằm dài chờ tiền của mẹ gửi lên. Đã ăn bằng tiền của Khương mấy hôm nay. Gửi xe xong, Khương vào xếp hàng mua kem Tràng Tiền. Khương biết Thịnh chỉ thích kem sữa dừa, Thịnh bảo sữa thì ngọt mà dừa thì bùi, ngọt bùi như hôn con gái, chẳng biết Thịnh đã hôn con gái bao giờ chưa. Khương ăn đã hết, trong khi Thịnh vừa xuýt xoa với cái kem ăn dở bốc khói trên tay và cái kem kia đã bắt đầu chảy nước. Khương đùa: “Đưa đây tớ ăn nốt cho”.

Thịnh đưa rồi bảo: “Tính tiền cho tớ một cái kem thôi nhé, cậu ăn ba cái đấy”. “Ừ, được rồi” – Khương cười tinh nghịch, đưa cái kem lên miệng cắn trước khi một giọt kem tan chảy xuống đất. Hai thằng khoác vai nhau ra sân chợ Đồng Xuân xem chèo. Đi ngang qua cổng đền Ngọc Sơn thấy một bà già ngồi ở đấy như từ nghìn năm, trước mặt là cái nón mê tổ đỉa.

Thấy hai thằng thư sinh “trói gà không chặt” đi qua, mắt sáng như sao băng, môi tươi như hoa đào, bà già cất giọng: “Mời hai cậu xem một quẻ”. Thịnh vội giật tay áo Khương đi cho mau, nhưng Khương đã sà ngay xuống rồi ngước lên bảo Thịnh: “Xem bói cho vui”. “Tôi xem thật chứ không xem vui”. Bà già nói khiến Khương hơi chột dạ, nhưng đã bình tĩnh lấy ngay lại được vẻ tươi vui lúc nãy.

“Vâng. Bà xem cho cháu về tình duyên và công danh đi ạ”. Thịnh đang đứng, mặt hơi đanh lại nhìn Khương, có chút gì không bằng lòng. Bà già gieo đài âm dương trên một cái đĩa men sứ cáu bẩn và sứt mẻ sau khi đã xin danh tính và Khương cũng đã nhanh chóng rút từ trong ví tờ hai mươi nghìn xanh lét màu rêu. Khương vô tình chạm phải ngón tay bà bói, thô ráp và lạnh buốt như tay chạm phải cơi trầu bà nội. Hai đồng tiền xoay tít trên đĩa như cười, như múa.

Cười là tươi, là tốt. Múa là chúa, là hoàng. Có lần, Khương đã nghe bà nội nói lúc xin đài hầu tam tòa thánh mẫu ở đền Mẫu Thoải. Bà nội còn nói, Khương có căn cô Chín đền Sòng nên đã làm lễ khất đồng cho Khương lúc Khương lên sáu tuổi. Đến giờ Khương mới chỉ biết đền Sòng trong bài thơ Đò Lèn của nhà thơ Nguyễn Duy chứ chưa đi bái yết đền, phủ bao giờ.

Bà nội dặn đi đền Sòng “thiêng nhất xứ Thanh” mà bị cô Chín chấm đồng bắt lính thì không khất đồng được nữa đâu, con ạ. Khương trùm khăn nhiễu đỏ, đội mâm sớ rồi ngủ gục đi lúc nào không biết trong nức nở chầu văn, réo rắt nguyệt cầm, thoang thoảng oản xôi và ngan ngát nhang trầm. Lúc tỉnh dậy đã thấy buổi lễ tàn từ lúc nào.

Khương thấy mình mặc áo lụa điều, đội khăn nhiễu tía, xỏ đôi hài hoa, cưỡi con xích điểu bay trên miền tam toà thánh mẫu, tứ phủ công đồng. “Cậu có sao Khuê chiếu mệnh - Khuê chủ văn chương nên có tài văn chương, theo nghiệp chữ nghĩa, nhưng lại có duyên âm nam nhi, nên bị đàn ông, con trai theo đuổi, tán tỉnh, khổ đấy” – Bà già thủng thẳng nhổ toẹt quết trầu đỏ lòm vào ống đồng, hai ngón tay quệt mép một cái rồi ngước lên ngó hai cậu trai tơ mặt búng ra sữa.

“Sao Khuê ở đâu và duyên âm là gì hả bà?” – Khương thảng thốt. “Rồi cậu sẽ biết. Sau này sẽ có người trả lời cho cậu” – Bà già lấp lửng rồi lấy tờ tiền Khương vừa đặt cho vào cái bị rồi lơ đễnh nhìn ra xa xôi phía tháp Rùa trầm mặc, đôi mắt bà già bắt ánh đèn đường sáng rực lên như mắt mèo hoang trong đêm tối. Khương sợ không dám nhìn lâu. “Đi thôi Khương, không thì muộn mất” – Thịnh giục. Hai thằng đi về phía chợ Đồng Xuân, nơi có những làn điệu chèo đẹp như dải thắt lưng xanh đang bay lên chấp chới.

Thịnh mải xem chèo, còn Khương chẳng tâm trí đâu, chỉ thấy mớ bảy mớ ba sặc sỡ cầu vồng trôi qua trước mặt và những lới lơ, bổng trầm vọng lại. Lời bà thầy bói vẫn còn văng vẳng bên tai Khương khiến Khương rùng mình nghĩ đến giấc mơ hãi hùng từ tiền kiếp. Giấc mơ có cái bóng mang thể xác và tâm hồn của một thằng con trai đam mê, cuồng nhiệt chưa bao giờ từ bỏ ý định buông tha. Khương muốn gạt những ý nghĩ điên rồ ấy đang nảy mầm trong đầu mình nhưng càng cố thì chúng càng mọc lên bạt ngàn và chen chúc như cỏ dại trên bãi hoang không có dấu chân người.

*

Sáng hôm sau, Khương mệt mỏi lên giảng đường sau khi đã thoát khỏi cái bóng và  rơi tõm xuống vực sâu hun hút. Khương cứ mê man nằm ở dưới vực chờ trời sáng gọi người đến cứu. Mồ hôi hay sương khuya ướt đẫm cả người. Khương cố hé mắt, vẫn thấy cái bóng đi lại dật dờ trên mép vực như bóng ma, thoắt ẩn thoắt hiện. Sương toả như khói và trăng khuyết trên cao như con mắt một mí đa tình. Nó sợ không dám xuống hay động lòng trắc ẩn vì Khương đã bị dồn đến đường cùng. Nếu nó xuống, Khương cũng chẳng còn đủ sức mà chạy thoát hay chống cự.

Khương mệt mỏi, chỉ thở thôi cũng thấy khó nhọc. Lúc lên giường Khương đắp cái chăn mỏng hoa mua tím, bây giờ hoa mua tím từ cái chăn mỏng tràn ra nở bạt ngàn cả vực sâu. Gió lạnh từ trên đỉnh núi tràn xuống cuốn theo sương trắng làm cho từng cánh hoa mua mỏng manh tím biếc đồng loạt trút xuống người Khương thành một tấm chăn dày.

Khương thấy ngạt thở như sắp chết nên hét lên “Cứu tôi với”. Cái chăn nặng trịch bị hất tung ra khỏi người Khương văng xuống đất. Vực sâu, sương mù và cái bóng biến mất không dấu vết. Hoa mua trốn vào trong chiếc chăn. Thịnh hỏi “Mày mơ thấy gì mà hét to thế”. Khương lắc đầu không nói, người đau nhức. Khương đút ba lô vào ngăn bàn thì chạm phải một vật.

Một hộp giấy đựng lọ nước hoa ai bỏ quên. Mẩu giấy loằng ngoằng mấy chữ “Khương, tớ thích cậu. Nhưng cậu lại yêu Thịnh. Tớ buồn lắm. Nhưng dù sao tớ vẫn thích cậu. Tớ vẫn ngắm cậu mỗi ngày từ ô cửa sổ nhà C2. Tớ: B”. Nhà C2 là nơi ở của... sinh viên nam mà. Khương xịt một ít nước hoa ra cổ tay đưa lên mũi ngửi, mùi nước hoa nữ thơm ngát hương cam đắng và hồng bạch. Thế còn B là ai. Chữ bóng bắt đầu bằng chữ B. Khương sực nhớ tới cái bóng đêm qua.

Mồ hôi rịn ra trên trán chảy xuống hai bên thái dương như vừa qua cơn sốt. Khương đút vội lọ nước hoa trở lại ngăn bàn, nhưng Thịnh đã đến sau từ lúc nào, vỗ mạnh vào vai làm Khương giật thót “Cô nào tặng quà cho cậu à?”. “Ai gửi nhầm thôi” - Khương nói dối nên giọng lạc hẳn đi. Bắt đầu tiết học mới. Khương nhìn ra cửa, mây mặc áo trắng trôi ngang khung trời, tâm hồn Khương trở nên tinh khiết và bay bổng như mây trắng vân du ngoài kia.

*

“Chào em, em là nhà thơ à?”. “Dạ vâng ạ. Anh là... ”. “Anh là người hát quan họ”. “Em rất thích dân ca quan họ”. “Còn anh thì rất thích thơ”. Khương tình cờ quen một liền anh quan họ trên mạng bắt đầu bằng những dòng tin nhắn như thế. Liền anh tên Quyền, hơn Khương một tuổi. Quyền xinh trai, trắng trẻo như một cậu giáo trường làng, nói chuyện khéo léo, ý nhị đúng khí chất của một liền anh Nội Duệ cầu Lim.

Quyền hẹn Khương có dịp về Kinh Bắc chơi, Quyền sẽ đưa Khương đi thăm chùa chiền và nghe một canh hát quan họ. Khương rủ Thịnh đi cùng nhưng cuối tuần này Thịnh về quê đám cưới chị gái. Khương một mình lặn lội về Kinh Bắc cùng Quyền xem một canh hát thâu đêm. Đêm ấy nguyệt gác mái đình, sông Cầu lơ thơ nước chảy.

Này là mỏ quạ, quai thao, cây đa, quán dốc. Kia là khăn xếp, áo the, ứ hự, tình rằng. Ngồi cạnh nhau, Quyền quay sang nhìn trộm Khương, Quyền cố ý động chạm vào người Khương, Quyền lấy giấy ăn lau mồ hôi trên trán cho Khương, Khương ngồi ra xa thì Quyền lại nhích lại gần. Khi canh hát sắp tàn, Quyền nài nỉ “Trời hãy còn sớm, mình ra nhà nghỉ, về nhà giờ này không tiện”. “Thôi em phải về luôn, mai có việc”. “Anh… yêu em, Khương ạ” - Quyền thổ lộ. “Em có bạn gái rồi” - Khương rút tay thật nhanh ra khỏi tay Quyền, từ chối dứt khoát rồi bắt xe ôm về luôn trong đêm.

Khương vẫn còn nhớ mãi ánh mắt Quyền - ánh mắt đỏ hoe sắp khóc như có lửa đốt, như có sen nở bên trong mỗi khi nhìn Khương. Khương viết bài thơ “Gửi một liền anh quan họ” in trên tuần báo Văn nghệ, trong đó có những câu thơ khuyên nhủ, dỗ dành Quyền hãy trở về với ngôi nhà và vợ con đang ngóng đợi sớm chiều.

Thỉnh thoảng Quyền có nhắn tin hỏi “Nhà thơ ơi đang làm gì đấy, ăn cơm chưa, đi ngủ chưa?” nhưng Khương không trả lời lại. Khương không bao giờ gặp Quyền nữa, nếu có gặp Quyền, Khương sẽ coi Quyền như xa lạ. Khương không quên ánh mắt da diết, khắc khoải của Quyền lúc tạm biệt nhưng Khương càng nhớ hơn ánh mắt của vợ và con trai Quyền khi Khương đến nhà Quyền chơi - ánh mắt đó day dứt và ám ảnh Khương hơn nhiều. Trong cõi người này làm sao biết được ai khổ đau hay hạnh phúc hơn ai, phải không Quyền?

*

Gần hết năm cuối, Khương và Thịnh lên miền núi thực tập. Hai thằng xin với cô giáo chủ nhiệm cùng thực tập một nơi, kể cả vùng khó khăn. Phân hiệu Cán Hồ cách trường chính một giờ đi xe máy, nếu trời nắng, còn trời mưa thì lâu hơn, đấy là phải cuốn xích vào lốp xe, chứ không thì chịu chết, đường trơn như đổ mỡ. Dù mưa hay nắng thì con ngựa đi cũng mất một tiếng mà không cần nghỉ chân. Thế mới biết con ngựa còn giỏi hơn cái xe máy. “Các thầy đến thực tập thì thích chứ dạy thì lại muốn bỏ về thôi, chẳng ai chôn vùi thanh xuân ở đây cả”. Trưởng bản Lừu Pao Chớ cười để lộ cái răng bọc vàng lấp lánh cố giấu một tiếng thở dài thườn thượt. “Tôi sẽ lên đây công tác” - Khương nghiêm giọng như thật.

“Ôi dồ, ai mới đầu cũng nói thế thôi. Các thầy nhớ mua cá khô lên nhé, sắp mùa mưa lũ đấy. Dầu  hoả thì không cần, giờ có điện sáng rồi mà”. Hai thầy giáo thực tập đi xe máy theo đuôi con ngựa của trưởng bản Cán Hồ. Mùa này hai bên đường hoa mua nở tím như hoàng hôn. Khương không muốn nghĩ đến mà hoa mua cứ tím đến nhức nhối. Hoàng hôn tím như hoa mua buông xuống đỉnh núi Nhìu Cồ San cao vút, xa mờ trốn trong mây trắng. Chưa ai nhìn thấy đỉnh núi này, kể cả ngày nắng.

Chiều tan lớp Khương rủ Thịnh ra suối tắm. Suối trong vắt nhìn rõ từng vạt rêu xanh như mạ và đàn cá đuôi hồng tung tăng múa lượn. Học sinh bảo rêu này có thể ăn được nhưng phải đúng mùa cơ, bọc lá dong nướng hoặc nấu canh, ngon phải biết. Cá đuôi hồng thì chưa ai dám ăn, vì đó là loại cá thần cai quản dòng suối thiêng này, ăn nó là một hành động phạm thượng và sẽ bị thần linh trừng phạt. Dân bản kể rằng có một người đàn bà goá đi làm nương bắt cá đem về ăn, rồi mang thai, cái thai quẫy trong bụng bà ta như cá chép vật đẻ.

Chín tháng sau bà ta đẻ ra một bọc trứng cá đuôi hồng vàng ươm. Lại có chuyện một đứa trẻ chăn trâu đói quá bắt cá nướng ăn, ba hôm sau người nó mọc lên từng lớp vảy cá xù xì. Lấy tay gãi bóc ra từng mảng như rắn lột xác. Mặc dù anh y sĩ thôn bản đã tuyên truyền giải thích là bà goá nọ đẻ con quái thai và đứa trẻ kia mắc bệnh vảy nến nhưng nhiều người vẫn không tin. Họ tin vào thần linh còn hơn tin vào y học.

Thịnh tắm nhanh về trước nấu cơm, bữa tối nay nhờ mua được miếng thịt lợn nên hai thằng hớn hở lắm, bù cho cả tuần ăn cá khô cõng muối, sắp thành con cá khô luôn rồi. Mặt trời như quả pao đỏ rơi xuống vách núi. Đêm sắp nhuộm chàm khắp rừng. Nhìn bốn bề vắng lặng, Khương hơi sợ vội trèo lên tảng đá thay quần áo, người chưa kịp lau nước rỏ tong tỏng. Bỗng có tiếng cành cây khô gãy rắc trong bụi rậm. Khương vội kéo quần lên rồi hỏi như quát “Ai đấy?”. Không có tiếng trả lời, có bóng người mặc áo tà pủ cõng củi đi như chạy về phía lưng chừng dốc. Khương thấy lòng mơ hồ không rõ rệt như tranh tối tranh sáng lúc hoàng hôn.

*

Khương ra trường và đi dạy học ở tỉnh. Khương bắt đầu được bạn đọc biết đến khi thơ Khương in dày đặc trên các báo và một bài thơ của Khương được nhạc sĩ Thanh Long phổ nhạc. Bài hát được phát sóng trên truyền hình. Và Khương sẽ trở nên nổi tiếng. Nhạc sĩ Thanh Long gọi điện cho Khương có nhã ý mời Khương xuống nhà chơi. Khương vâng dạ đồng ý và hẹn có dịp sẽ gặp gỡ, trò chuyện với nhạc sĩ trứ danh đã chắp cánh cho mấy vần thơ của Khương bay xa.

Một hôm, Khương tiện đưa mẹ đi khám bệnh ở thủ đô thì ghé vào nhà nhạc sĩ Thanh Long chơi. Nhà có khách quý – một nhà thơ trẻ tài hoa mới nổi, sẽ xác lập giọng điệu và phong cách trên thi đàn trong tương lai nên nhạc sĩ Thanh Long sai vợ làm mâm cơm thịnh soạn đón tiếp. Dê tái tương gừng, cháo chim bồ câu, canh cua hoa thiên lý, chè hạt sen long nhãn. Khương thấy hơi ngạc nhiên bởi những món bổ dưỡng này, nhưng không tiện hỏi. Vợ nhạc sĩ ăn khảnh khót rồi xin phép đi lên gác tụng kinh. Con trai nhạc sĩ cũng ăn vội vàng để đến nhà cô giáo học thêm.

Để mặc nhạc sĩ trứ danh và nhà thơ tài hoa cứ tự nhiên trút bầu tâm sự. Câu chuyện càng thêm mặn nồng khi có chén rượu dâ‌m dương hoắc đưa cay. Tự dưng, Khương thấy mắt hoa lên như có đàn mối lượn lờ trước mặt, đầu nặng dần như đám mây đen và mắt sắp sửa rơi xuống như một trận mưa rào. Khương thấy mình như bị ai nhấc bổng lên khỏi mặt đất, nhẹ nhõm như sương, và bồng bềnh như khói. Khương trôi trên những bậc cầu thang vào một căn phòng. Trong căn phòng có giư‌ּờng chi‌ּếu. Trên giư‌ּờng chi‌ּếu là chăn gối. Bên chăn gối là đèn hoa.

Kìa, Trang – người yêu cũ năm nào đã loã thể từ bao giờ với những đường cong tuyệt trần mà khi yêu Khương chỉ dám gượng nhẹ khám phá trong thèm khát. Trang chủ động hôn lên mặt, lên cổ, lên môi Khương ào ạt từng đợt như sóng biển hôn lên bờ cát. Không thể nào, có lẽ Khương đang say, đang mơ. Là say hay là tỉnh, là mơ hay là thực. Trang đã lấy chồng tháng trước rồi cơ mà. Tấm thiệp cưới màu hồng nhạt ướp nước hoa thơm nức Khương còn chưa lỡ vứt vào sọt rác. Đi qua thương nhớ làm sao quên được nhau? Tình cũ không rủ cũng đến là đây ư?

Trong men say chuếnh choáng, trong giấc mơ chập chờn Khương muốn buông xuôi để Trang muốn làm gì thì làm. Mùi rượu nồng nặc kéo Khương trở về thực tại. Khương càng không thể để cảm xúc ma quái dẫn dụ. Khương vùng dậy, bước ra khỏi vùng chăn gối xô lệch và giư‌ּờng chi‌ּếu nát nhàu. Khương thấy cái bóng mờ ảo trong giấc mơ bấy lâu đã ám ảnh Khương hiện ra trước mắt rõ mồn một bằng xương bằng thịt với khuôn mặt phì nộn, bóng nhẫy.

Cơ hội đã đến, phải chớp lấy ngay không thể để nó tan biến mất. Khương dùng hết sức lực còn lại, đấm thẳng vào mặt cái bóng. máu tóe ra luênh loang khắp mặt đỏ lòm như đổ phẩm. Khương ào ra khỏi cửa như bão bỏ lại tiếng ông nhạc sĩ Thanh Long mặt gào lên rền rĩ: “Khương, lẽ nào em lại đối xử tàn tệ anh như thế”. Khương muốn nôn hết cả ruột gan trong bụng ra.

 Năm sau, Khương lấy vợ - một cô giáo dạy học cùng trường. Thịnh đến dự góp vui bằng một làn điệu chèo phổ thơ của Khương, nồng nàn và say đắm. Trang mới sinh em bé không đến được, gửi một tấm thiệp chúc mừng hạnh phúc ghép tên Khương và vợ bằng những cánh phượng sặc sỡ như muôn cánh bướm mỏng manh. Đêm động phòng hoa chúc, lần đầu tiên Khương kể cho vợ nghe về những giấc mơ kì lạ, có cái bóng đã theo đuổi và ám ảnh Khương từ lúc Khương bắt đầu dậ‌y th‌ì.

Gối đầu lên tay Khương, vợ Khương dịu dàng bảo: “Có em canh giữ đây rồi, làm gì còn cái bóng nào dám đuổi theo anh nữa”. Khương vùi đầu vào tóc vợ âu yếm. Làn tóc thơm mùi bồ kết mới gội lúc chiều chảy tràn trên gối thêu, trên ngực nõn. Khương ôm vợ sắp chìm vào giấc ngủ, Khương nghe thấy ngoài thềm có tiếng bước chân ai đang rời đi, thật khẽ, như sương rơi...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật