Trao công hàm phản đối Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Trao công hàm phản đối Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng

Tập trận ở Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc gây phức tạp tình hình

Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao diễn ra ngày 2/7, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc tiến hành tập trận tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:

"Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại vi phạm tương tự trong tương lai".

Trước thông tin tàu thăm dò Hải Dương 4 của Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết:

"Các hoạt động thăm dò, khảo sát và nghiên cứu khoa học tại các vùng biển của Việt Nam, được xác định theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) phải được sự đồng ý của Việt Nam theo đúng quy định của Công ước này.

Việc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia và các quy định của UNCLOS 1982 có ý nghĩa quan trọng đối việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực Biển Đông, của khu vực và trên thế giới".

Trước câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết vấn đề Biển Đông và tiến trình đàm phán COC được nêu ra thế nào trong Hội nghị Tham vấn Quan chức Cao cấp ASEAN-Trung Quốc lần thứ 26 ngày 01/7/2020, người phát ngôn cho hay,  Hội nghị Tham vấn Quan chức Cao cấp ASEAN-Trung Quốc định kỳ lần thứ 26 đã diễn ra bằng hình thức trực tuyến vào ngày 1/7.

Tại hội nghị, hai bên đã trao đổi và thống nhất về một số định hướng quan trọng trong hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc thời gian tới, trên cơ sở triển khai hiệu quả Tầm nhìn quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc 2030, trong đó có đẩy mạnh kinh tế số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác ứng phó với các thách thức đang nổi lên như an ninh mạng, thiên tai, tội phạm xuyên quốc gia…

ASEAN và Trung Quốc cũng đã trao đổi nhiều nội dung hợp tác cụ thể, thiết thực về ứng phó và giảm thiểu tác động của Covid-19. Trung Quốc khẳng định ủng hộ Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 và Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp của ASEAN; đưa ra nhiều đề xuất hợp tác mới, trong đó tổ chức Diễn đàn ASEAN-Trung Quốc về Hợp tác y tế, nghiên cứu các hành lang đi lại an toàn giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.

Cũng trong dịp này, hai bên cam kết tiếp tục thúc đẩy tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), mong muốn sớm nối lại đàm phán COC khi điều kiện cho phép, đồng thời nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Báo cáo của Mỹ về tình hình mua bán người không khách quan

Trước thông tin Hoa Kỳ tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách những quốc gia cần theo dõi về nạn buôn người do chưa thực hiện đầy đủ các tiêu chí tối thiểu, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết, báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình mua bán người trên thế giới năm 2019 đã không phản ánh khách quan, chính xác về tình hình cũng như những nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, đồng thời kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép và mua bán người.

Chính phủ cũng đã ban hành, triển khai nhiều chính sách, Pháp Luật nhằm thực hiện chủ trương này. Mới đây nhất, ngay trong năm nay, ngày 20/03/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 402/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp an toàn và trật tự của Liên Hợp Quốc, trong đó đề ra các giải pháp toàn diện và bao trùm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý di cư, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người di cư.

Hiện nay, Việt Nam đang rà soát, nghiên cứu nhằm xây dựng Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nguy cơ mua bán người, giảm tội phạm mua bán người, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ hiệu quả những nạn nhân của mua bán người.

"Việt Nam sẵn sàng trao đổi, phối hợp với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, để tăng cường hơn nữa hiệu quả về việc hợp tác phòng, chống loại hình tội phạm này", người phát ngôn khẳng định.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật