Tỷ giá tăng 4,9% từ đầu năm, NHNN “bật chế độ” sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Kể từ ngày hôm nay (19/4), Ngân hàng Nhà nước sẽ công khai việc bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng ở trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, qua đó nhằm giải tỏa tâm lý, khơi thông nguồn cung, đảm bảo thanh khoản ngoại tệ thông suốt.
Tỷ giá tăng 4,9% từ đầu năm, NHNN “bật chế độ” sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp
Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán ngoại tệ để bình ổn tỷ giá

Thông tin tại họp báo sáng nay, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua việc điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ nhìn chung vẫn đảm bảo sự ổn định.

Về cơ bản, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến phù hợp với điều kiện thị trường và xu hướng của các đồng tiền quốc tế so với USD.

Tuy nhiên, tỷ giá thời gian qua có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt từ những ngày đầu tháng 4, với mức độ mất giá của VNĐ so với đầu năm là khoảng 4,9%, là mức tăng cần quan tâm.

Tuy nhiên, so với mức tăng hơn 5% của chỉ số DXY (đo lường biến động đồng USD với 6 đồng tiền tệ chủ chốt – PV) và sự mất giá nhiều đồng tiền của các quốc gia xung quanh thì sự mất giá 4,9% của VNĐ là con số thấp hơn.

Thông tin thêm về việc điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ khẳng định, ngoài biện pháp điều tiết thanh khoản tiền đồng thì NHNN đã “bật chế độ” sẵn sàng can thiệp ngoại tệ khi biến động tỷ giá không tích cực.

Theo ông, thời gian qua, chỉ số DXY tăng rất nhanh, trong vòng hơn 3 tháng đầu năm đã tăng hơn 5%, lên trên 106 điểm. Đây là áp lực rất lớn đối với các đồng tiền khác trên thế giới, kể cả những đồng tiền mạnh.

Với mức độ biến động mạnh như vậy thì nhiều nước thả nổi đồng tiền, nhưng nhiều nước cũng quản lý chặt chẽ đồng tiền như Trung Quốc, Malaysia… Họ có những biện pháp can thiệp rất mạnh để kiểm soát sự biến động quá lớn có thể dẫn đến ảnh hưởng đến lạm phát và kinh tế vĩ mô.

Việt Nam là nước chưa thả nổi đồng tiền, do đó chúng ta phải quản lý sự biến động của đồng tiền và quản lý sự ổn định của thị trường ngoại tệ. NHNN vẫn duy trì điều hành thị trường ngoại tệ thông qua tỷ giá trung tâm, bám sát chặt trạng thái ngoại tệ.

Thời gian qua, NHNN đã theo sát diễn biến tỷ giá, có các biện pháp để giải tỏa áp lực trên thị trường ngoại tệ. Từ tháng 3, khi chỉ số DXY tăng rất nhanh thì NHNN đã nhanh chóng có những biện pháp trung hòa lượng tiền VNĐ dư thừa trên thị trường liên ngân hàng, thông qua liên tục phát hành tín phiếu NHNN để hút bớt lượng tiền đồng dư thừa, để giảm áp lực tỷ giá, khiến tỷ giá biến động trong ngưỡng cho phép mà hoạt động quản lý của NHNN có thể chấp nhận.

Những ngày gần đây tỷ giá tăng nhanh do nhu cầu mua ngoại tệ rất lớn, đặc biệt nhu cầu nhập khẩu tăng cao. Đây là tín hiệu rất tốt cho phục hồi kinh tế nhưng cũng tạo áp lực lớn lên ngoại tệ. Đồng thời, để đảm bảo phòng ngừa rủi ro tỷ giá thì nhiều doanh nghiệp tăng mua ngoại tệ kỳ hạn, dẫn đến cầu ngoại tệ trong tương lại chuyển về hiện tại…

Với áp lực như thế, ông quang cho hay, ngoài việc điều tiết lượng tiền đồng để giảm áp lực ngoại tệ như trên thì NHNN cũng có những biện pháp chặt chẽ hơn, mạnh mẽ hơn.

“Hôm nay, NHNN đã công bố công khai phương án can thiệp ngoại tệ với giá bán can thiệp là 25.450 đồng. Kể từ ngày hôm nay, NHNN sẽ công khai việc bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng đang ở trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0.

Đây là biện pháp rất mạnh mẽ của NHNN nhằm giải tỏa tâm lý trên thị trường, khơi thông nguồn cung, đảm bảo thanh khoản ngoại tệ thông suốt, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế” – ông Quang nói.

Cũng theo đại diện, NHNN, ngay sau khi NHNN có công bố này, tâm lý thị trường đã trở nên bình ổn, các giao dịch ngoại tệ trên thị trường đã về dưới mức bán ra của NHNN.

Ông Phạm Chí Quang cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ theo sát thị trường ngoại tệ để tiếp tục có những biện pháp bình ổn thị trường, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật