Đồng hành với lợi ích của người dân, doanh nghiệp

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
15 năm qua, báo Pháp Luật TP.HCM không chỉ gắn kết với những vấn đề kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng mà còn là “trợ thủ pháp lý đắc lực” của người dân, doanh nghiệp.
Đồng hành với lợi ích của người dân, doanh nghiệp
Ảnh minh họa

LTS: Năm 2020 đánh dấu 15 năm văn phòng đại diện báo Pháp Luật TP.HCM có mặt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là năm gắn với cột mốc 30 năm sinh nhật báo.

15 năm qua, Pháp Luật TP.HCM luôn đồng hành với những trăn trở về sự phát triển của đồng bằng, là kênh thông tin hữu ích cho chính quyền, người dân, doanh nghiệp. Qua đó góp thêm tiếng nói của mình để cùng tháo gỡ những nút thắt, đưa đồng bằng ngày một phát triển.

Đầu tháng 4-2018, giám đốc một công ty đang đầu tư dự án tại Cà Mau đã tìm đến PV Trần Vũ - phóng viên của Văn phòng đại diện báo Pháp Luật TP.HCM tại Cần Thơ. Ông cầm theo một chồng hồ sơ cùng lá đơn kêu cứu vì bị lực lượng chức năng ra văn bản cấm gần như toàn bộ hoạt động của công ty, trong khi chưa có động thái tố tụng nào.

Đi cùng doanh nghiệp

Sau những xác minh cặn kẽ, tìm hiểu thông tin từ cơ quan chức năng, lấy ý kiến chuyên gia pháp lý…, cuối cùng bài báo “Doanh nghiệp kêu cứu vì “lệnh cấm vận” lạ” được đăng tải với những phân tích pháp lý cặn kẽ.

11 ngày sau khi báo đăng, cơ quan chức năng đã có công văn cho phép công ty được hoạt động bình thường trở lại sau hơn một tháng bị “cấm vận” mọi hoạt động kinh doanh.

Ông Trần Văn Tùng, Giám đốc Công ty cổ phần Nam Bắc, TP Cà Mau, “nhân vật chính” trong vụ việc nói trên, chia sẻ: “Khi tôi bế tắc, không biết kêu đâu nên tìm đến báo Pháp Luật TP.HCM. Phóng viên và tòa soạn đã dám nói thẳng, nói thật dù đây là một vấn đề khó. Đó là điều mà tôi rất quý ở báo Pháp Luật TP.HCM”.

Còn ThS luật Huỳnh Văn Út, thẩm phán TAND tỉnh Cà Mau, cho biết Pháp Luật TP.HCMđã giúp ông cập nhật kiến thức Pháp Luật, tham khảo những vụ án lạ, án hay, những tình huống pháp lý gay cấn, phức tạp trong đời sống xã hội. Tinh thần bảo vệ lẽ phải luôn được thể hiện mạnh mẽ trên mặt báo.

“Tôi thí dụ gần đây báo đăng loạt tin, bài về nhóm trộm tôm của người dân Đầm Dơi. Coi như là toàn bộ trò dàn cảnh trộm tôm tinh vi của nhóm người đó bị phơi bày toàn bộ, hết đường mà giở trò với người nuôi tôm. Công an cũng đã khởi tố, bắt nhiều người để trừng trị, răn đe. Điều này hết sức là có lợi ích cho bà con nuôi tôm Cà Mau và các tỉnh có nuôi tôm công nghệ cao. Bà con mình rất vui mừng, ấm áp vì đằng sau lưng có báo Pháp Luậttiếp sức” - ông Út nêu ví dụ.

Báo Pháp Luật TP.HCM đã có nhiều vệt thông tin góp phần tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: HOÀNG GIANG

Mang lại nhiều hơn “đặc sản pháp lý”

Theo ThS Huỳnh Văn Út, điểm đặc sắc khác của báo là luôn đồng hành trong những vụ án oan, bảo vệ lẽ phải, công bằng. Điển hình như vụ án bảy thanh niên bị oan ở Sóc Trăng, vụ Huỳnh Văn Nén… Báo cũng đã tham gia với nhiều bài viết phản ánh, phản biện, phân tích luật sắc nét. “Tôi nghĩ là nó cũng giúp ích cho các cơ quan tố tụng tham khảo để giải quyết án khách quan hơn, đúng bản chất hơn. Mong báo tiếp tục đem đến cho bạn đọc cả nước và miền Tây những món đặc sản pháp lý” - ông Út gửi gắm.

Còn nhớ, trong các năm 2016, 2017, Pháp Luật TP.HCM đã đồng hành cùng cô Nguyễn Thị Mai trong hành trình tìm lại công bằng cho liệt sĩ Lữ Anh Dồi.

Nhớ lại hành trình cùng báo đi tìm lại công bằng cho chồng, cô Mai xúc động: “Các em phóng viên thường trú của báo Pháp Luật TP.HCM tại Cà Mau, Cần Thơ và cả Hà Nội đã rất quyết liệt, nhiệt tình và cả dũng cảm! Nhớ năm đó, khi đơn yêu cầu của tôi bị bác, mọi chuyện gần như tuyệt vọng. Nhưng các em ở văn phòng miền Tây cho tới lãnh đạo tòa soạn, Ban biên tập báo Pháp Luật đã dũng cảm lên tiếng. Tui nhớ nhất là hình ảnh các anh em cùng băng đồng, lội ruộng, đi xuồng vào trong bưng sâu, rạch nhỏ để tìm tư liệu, gặp nhân chứng xưa ở khắp vùng Cà Mau, Cần Thơ… Còn ở Hà Nội thì các phóng viên làm việc, phỏng vấn, tranh luận… thẳng thắn, quyết liệt với các cơ quan liên quan!”.

“Sau khi anh Dồi được công nhận liệt sĩ, điều cảm nhận sâu thẳm trong tôi là báo Pháp Luật TP.HCM là một tờ báo dũng cảm, dám nói lên sự thật, bảo vệ sự công bằng, chính đáng!” - cô Mai nói và mong báo vẫn tiếp tục gìn giữ điều này. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật