Rút ống thở cho chồng, tôi run run vuốt mắt anh: Vắng anh, em hứa sẽ vẫn là mẹ hiền, dâu thảo

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chồng mất được gần 2 tháng mà tôi ngỡ như mới hôm qua. Anh bị tai nạn sống thực vật đã 3 năm nay. Hàng ngày phải chăm sóc, vệ sinh cho chồng mà tôi không thấy cực nhọc, chỉ mong anh được sống, dù vất vả thế nào tôi vẫn vui.
Rút ống thở cho chồng, tôi run run vuốt mắt anh: Vắng anh, em hứa sẽ vẫn là mẹ hiền, dâu thảo
Ảnh minh họa

Khi tôi sinh con vừa được 3 tháng thì chồng gặp nạn. Đó là một đêm mưa, 1h sáng khi vừa cùng đồng nghiệp trở ra từ quán nhậu, chồng phóng xe từ Hà Nội về quê với vợ. Tôi tìm mọi cách ngăn cản nhưng không thành.

Gần 1 tiếng anh đi trên đường là khoảng thời gian tôi gọi điện thoại liên tục nhưng chồng không nghe. Tôi nhớ cuộc gọi cuối cùng là khi máy đã nóng, kêu tút tút báo hết pin rồi sập nguồn đúng lúc đầu dây bên kia vọng về tiếng “alo”.

Linh cảm có chuyện chẳng lành, cắm vội cục xạc vào tôi bấm liên tiếp gọi lại cho chồng. Ở bên kia là tiếng xe đẩy, tiếng người láo nháo gọi nhau, một người lạ cho tôi biết chồng tôi gặp tai nạn gần nhà, bị thương rất nặng và bảo tôi đến ngay bệnh viện gần nhất.

Tôi ngã khụyu ngay thời điểm ấy nhưng không thể ngất, chồng cần tôi, tôi phải ở bên anh lúc này. Mẹ chồng biết tin cũng khóc lóc vỡ nhà, bà đòi đi cùng nhưng tôi dúi con cho nên đành phải ở nhà trông thằng bé.

Vào viện, sau khi làm thủ tục xong xuôi, bác sĩ trở ra nhìn tôi lắc đầu: “Nặng lắm, chuyển viện theo yêu cầu của gia đình nhưng tôi chắc cũng chẳng có hi vọng gì đâu, cô nên chuẩn bị tinh thần”.

Tai tôi ù đi, nhưng dù chỉ còn 1% cơ hội cứu sống chồng tôi cũng sẽ làm. Những ngày sau đó, tôi ăn trực nằm chờ, ôm chiếu gối đi khắp hành lang bệnh viện Việt Đức để chờ đến giờ vào thăm chồng. Sau 37 ngày thì chồng tôi được “trả về”. Tôi nhớ như in lời ông bác sĩ già: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức, để cho cậu ấy sống hay không là quyết định ở gia đình. Cô còn trẻ, còn phải có tương lai, mạnh mẽ lên”.

Ngày đưa chồng về, nhà chồng túm tụm lại khuyên tôi rút bỏ ống thở để anh ra đi thanh thản. Nhưng nhìn đứa con đỏ hỏn tôi không đành. Vậy là tôi quyết định nuôi chồng sống thực vật từ đó đến giờ. Đến bữa bơm thức ăn vào dạ dày cho anh, tắm giặt hàng ngày, trò chuyện như vợ chồng bình thường. Thậm chí có lúc tôi còn thấy chồng khẽ cười, tôi vui vì điều đó.

Con trai 3 tuổi, chồng tôi vẫn nằm đó. Mấy tháng nay anh thường xuyên khó thở, có những cơn thở gấp người ngợm tím tái cả lại.

Những tưởng anh đã đi rồi nhưng sau một hồi được bác sĩ cấp cứu thì lại bình thường hơn. Nhiều lần như vậy, mẹ chồng bảo tôi: “Thôi con ạ, nó sống như thế khổ quá rồi, con cũng khổ quá rồi, để nó ra đi thanh thản, coi như giải thoát cho cả nó và con. Nhé!”.

Tôi biết mình không thể giữ một người chồng nằm như vậy mãi. Mẹ anh nói đúng, đã đến lúc để anh ra đi rồi. Sau cơn thở gấp của chồng, mắt anh mở to, khóe mắt chảy nước mắt, tôi gào khóc gọi tên anh, cả nhà ai cũng khóc.

Rút ống thở cho chồng, tôi run run vuốt mắt anh: “Mình yên tâm, vắng anh em hứa mãi là mẹ hiền, dâu thảo. Thay anh chăm sóc báo hiếu bố mẹ đến hết đời. Tạm biệt anh”.

Tôi muốn đi theo chồng, nhưng còn con, còn bố mẹ, anh em nên tôi không thể làm thế. Nhưng, từ khi chồng mất, tôi thấy cuộc sống này thật vô vị.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật